3 kiểu lừa đảo trực tuyến cần cảnh giác nhất hiện nay
21/07/2023
735
Những con số về các vụ lừa đảo trên mạng được phát hiện, số lượng tội phạm mạng, những con số thiệt hại do bị lừa đảo ngày càng tăng… đang dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Việc có nhận thức về các hình thức lừa đảo trực tuyến và nâng cao ý thức cảnh giác trước các nguy cơ lừa đảo trực tuyến đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Với hơn 70 triệu người sử dụng Internet cộng với ý thức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên mạng còn hạn chế, Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các tội phạm mạng tung hoành với những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, nguy hiểm, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT,… bên cạnh những lợi ích kết nối, truyền thông rõ rệt thì cũng đang là những kênh bị kẻ gian “mượn đường” thực hiện nhiều vụ lừa đảo nhiều đối tượng người sử dụng từ người cao tuổi, nhân viên văn phòng, công nhân, người lao động, cho đến thanh niên, sinh viên và cả trẻ em.

Theo thống kê, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Trong đó, lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao, phát tán tin nhắn giả mạo thương hiệu (SMS Brandname) và lừa đảo tuyển dụng CTV online là 3 hình thức đang lan truyền mạnh mẽ nhất và tác động đến nhiều người ở nhiều lứa tuổi.

1. Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao

Kẻ gian thường mạo danh là cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc nhà mạng gọi điện và thông báo số điện thoại của người sử dụng sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 tiếng với các lý do như “chưa nộp phạt”, “thuê bao sai thông tin”. Sau khi yêu cầu cung cấp thông tin, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dùng thực hiện một số bước tiếp theo như: thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi...  Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

Để phòng tránh, người dùng nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng. Không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Chỉ thực hiện theo các thông báo cập nhật, chuẩn hóa thông tin từ các kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông di động sử dụng cho mục đích nhắn tin, gọi điện thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao. 

Người dân cần biết thêm thông tin chi tiết có thể truy cập vào các trang web hoặc gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn. Đối với các thuê bao đã bị khóa hai chiều, người dân phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện chuẩn hóa và mở khóa liên lạc lại.

2. Phát tán tin nhắn giả mạo thương hiệu (SMS Brandname)

Kẻ gian lợi dụng tính năng tự động kết nối vào các trạm BTS có cường độ sóng mạnh của điện thoại, sử dụng các BTS giả mạo để gửi hàng loạt các tin nhắn SMS Brandname giả mạo đến điện thoại của người dùng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Các thiết bị được sử dụng để tạo trạm BTS giả là các thiết bị trôi nổi trên thị trường, được đưa lên ô tô, xe máy di chuyển đến những nơi đông người, phát tán tin nhắn tới những thuê bao kết nối vào trạm.

Để không bị kẻ gian lợi dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu để chiếm đoạt tài sản, mỗi người cần hết sức cảnh giác trong các hành động sau:

- Luôn ghi nhớ rằng các ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất,... thường sẽ không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân thông qua SMS, email, phần mềm chat,... Bởi vậy, việc xuất hiện các tin nhắn có nội dung yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân là điều bất thường.

- Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này.

- Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực OTP, số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội và các trang web. Chỉ sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua website chính thức của ngân hàng, có thể liên hệ với tổng đài ngân hàng để lấy thông tin trang chính thức. Các website chính thức của các tổ chức ngân hàng thường sử dụng giao thức https và kết thúc bằng đuôi .vn.

- Khi nhận được các tin nhắn có dấu hiệu bất thường phải liên lạc ngay với đơn vị chủ quản của brandname thông qua hotline để biết đâu là trang web, ứng dụng chính thức của họ.

- Khi phát hiện lừa đảo, người dùng cũng cần lưu lại các bằng chứng, thực hiện phản ánh tới Doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn). Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy gửi phản ánh về địa chỉ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam https://canhbao.khonggianmang.gov.vn.

3. Lừa đảo tuyển dụng CTV online

Đây là hình thức lừa tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao" - giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Khoản tiền các đối tượng lừa chiếm đoạt được từ hình thức này thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Mọi người có thể nhận diện thủ đoạn lừa đảo này để phòng tránh qua một số dấu hiệu sau:

- Yêu cầu tạm ứng tiền trước khi bắt đầu công việc

- Yêu cầu thông tin tài khoản cá nhân bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản

- Quảng cáo công việc có thu nhập quá hấp dẫn và dễ dàng, không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt

- Trang thanh toán đơn hàng không an toàn, không có biểu tượng bảo mật như khóa SSL hay "https://" trước URL

- Thiếu thông tin công ty hoặc không có thông tin liên hệ

- Thiếu hợp đồng hoặc thỏa thuận rõ ràng

- Kiểm tra về đánh giá và phản hồi tiêu cực từ người dùng khác

Trong trường hợp phát hiện một trong các dấu hiệu này, hãy nghĩ tới việc có thể bạn đang bị lừa đảo và tỉnh táo, không để bản thân bị mắc bẫy.

Được biết, từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023, Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” được triển khai dưới sự chủ trì Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), phối hợp cùng thành viên Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. 

Ý thức được sứ mệnh là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, kiến tạo xã hội số, Quốc gia số, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT là 1 trong 8 tập đoàn, doanh nghiệp đã tham gia Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng do Cục An toàn thông tin (AIS) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì điều phối, với mong muốn chung tay cùng Chính phủ, Cục, Bộ, Hiệp hội… bảo vệ người dùng Việt an toàn trên không gian mạng.

Theo VNmedia

Các tin khác
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 25452204
Đang online: 1